Báo cáo “Văn hoá kinh doanh Việt Nam qua nhận thức của các chủ thể, hàm ý cho nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững”



Thực tế đã chứng minh, nhiều quốc gia trên thế giới trong quá trình phát triển đã tạo dựng thành công Văn hóa kinh doanh quốc gia (VHKD) trở thành “sức mạnh mềm”, mang lại sự phát  triển bền vững, góp phần quan trọng giúp doanh nghiệp của các quốc gia này chiếm được lợi thế trên […]

Thực tế đã chứng minh, nhiều quốc gia trên thế giới trong quá trình phát triển đã tạo dựng thành công Văn hóa kinh doanh quốc gia (VHKD) trở thành “sức mạnh mềm”, mang lại sự phát  triển bền vững, góp phần quan trọng giúp doanh nghiệp của các quốc gia này chiếm được lợi thế trên thị trường kinh doanh quốc tế. VHKD đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, giúp doanh  nghiệp xây dựng lòng tin với đối tác và khách hàng, nhờ đó giảm chi phí kinh doanh, nâng cao hiệu quả quản trị và tăng giá trị thương hiệu của doanh nghiệp. VHKD không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà còn giúp các cơ quan quản lý nhà nước trong việc điều chỉnh các hành vi của các chủ thể tham gia kinh doanh tại những chỗ còn khoảng trống về pháp luật. VHKD cũng giúp người dân hình thành nên văn hóa tiêu dùng lành mạnh và tham gia có trách nhiệm vào các quan hệ kinh tế với doanh nghiệp và nhà nước.

Điểm chung của các quốc gia đã xây dựng thành công VHKD đều là sự chọn lọc, kết hợp giữa giá trị văn hóa truyền thống của quốc gia, dân tộc với giá trị văn hóa văn minh thế giới, nhưng vẫn thể hiện đặc trưng riêng biệt và đảm bảo được sự dung hòa với đặc tính chung của thế giới. Điển hình như VHKD của người Mỹ, mặc dù đa số người Mỹ là người Anh và người châu Âu di cư, nhưng VHKD của Mỹ vẫn có những điểm khác biệt với văn hóa doanh nghiệp ở châu Âu, nổi bật là “ý thức suy tôn tự do, chú trọng hiệu quả thực tế, phóng khoáng, khuyến khích phấn đấu cá nhân”. Hay như Nhật Bản, mặc dù tiếp thu quy mô lớn hệ thống lý luận quản lý tiên tiến của Mỹ và châu Âu, nhưng Nhật Bản đã biết tiết chế chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tự do để giữ lại văn hóa quản lý kiểu gia tộc. Sự chắt lọc đó đã giúp các doanh nghiệp Nhật Bản hòa nhập với bản sắc văn hóa dân tộc, sáng tạo ra hệ thống quản lý độc đáo kiểu Nhật Bản. Hàn Quốc cũng là một mẫu hình quốc gia thành công trong việc phát triển kinh tế dựa trên phát huy “sức mạnh mềm” của VHKD (với các doanh nghiệp đầu tàu như Samsung, Huyndai, LG…) góp phần đưa Hàn Quốc từ một nước nhỏ, ít tài nguyên với nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu giống như Việt Nam cách đâyvài chục năm, đã trở thành nền kinh tế lớn đứng thứ 10 thế giới và thứ 3 châu Á.

Ở Việt Nam, qua các thời kỳ lịch sử, vượt lên những khắc nghiệt của điều kiện kinh tế, xã hội, VHKD Việt Nam luôn thể hiện ở sự thông minh, sáng tạo, nhạy bén, thích ứng nhanh của các doanh nghiệp, doanh nhân người Việt. Từ khi nước ta thực hiện công cuộc đổi mới, hoạt động kinh doanh ở Việt Nam có cơ hội phát triển mạnh mẽ; nhiều hình thức kinh doanh, loại hình doanh nghiệp mới ra đời; lợi nhuận thu được từ kinh doanh tăng nhanh đã góp phần khẳng định và nâng cao vai trò, vị thế của doanh nghiệp, doanh nhân trong xã hội. Đây là điều kiện quan trọng để VHKD Việt Nam từng bước được khơi dậy, phát huy với đầy đủ sắc thái. Trong tiến trình hội nhập quốc tế, doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam có nhiều cơ hội phát huy hết khả năng, có đóng góp xứng đáng, làm cho đất nước ngày càng giàu, mạnh. Quá trình cạnh tranh trên thị trường quốc tế đã khơi dậy lòng tự hào dân tộc, giúp doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam xích lại gần nhau hơn…

Nghiên cứu này nhằm mục tiêu nhận diện hiện trạng VHKD Việt Nam qua nhận thức của các chủ thể, từ đó tìm hiểu các thách thức và cơ hội thúc đẩy VHKD Việt Nam theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững. Các mục tiêu cụ thể gồm: 

– Xác định được các yếu tố góp phần xây dựng VHKD: (1) yếu tố thuộc về niềm tin, giá trị căn bản; (2) yếu tố thuộc về nhận thức và (3) yếu tố thuộc về hành động.

– Nhận diện một số giá trị then chốt để hình thành VHKD Việt Nam theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.

– Đề xuất các giải pháp, khuyến nghị thúc đẩy VHKD theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.

Mục tiêu dài hạn là thúc đẩy hợp tác đa phương, thay đổi nhận thức và hành động của tổ chức và cá nhân liên quan đến việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để hình thành và phát triển VHKD Việt Nam trong thời đại thay đổi, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam.

Mời tải báo cáo nghiên cứu: Tại đây

 

Tin khác đã đăng