Báo cáo VBiS năm 2016
Nhìn chung, tình hình kinh tế nước ta năm 2016 tương đối ổn định và có những chuyển biến tích cực. Nền kinh tế tiếp tục đà phục hồi, kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều […]
Nhìn chung, tình hình kinh tế nước ta năm 2016 tương đối ổn định và có những chuyển biến tích cực. Nền kinh tế tiếp tục đà phục hồi, kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều kết quả tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng. Các doanh nghiệp tuyển thêm nhiều lao động hơn.Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tăng lên. Đầu tư trực tiếp của nước ngoài thu hút được nhiều dự án hơn, tuy rằng số vốn đăng ký có giảm nhẹ.Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng lên. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu cũng tăng lên. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng nhẹ. Diễn biến lạm phát cơ bản ổn định, khoảng dao động hẹp.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trong 11 tháng đầu năm tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 7,4% của 10 tháng và thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,9% của cùng kỳ năm 2015, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11%, đóng góp 7,7 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất, phân phối điện tăng 12,3%, đóng góp 0,8 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng tiếp tục giảm sâu với mức giảm 6,3%, làm giảm 1,3 điểm phần trăm của mức tăng chung.
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/11/2016 tăng 4,3% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 2,6%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 1,7%; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 7,4%. Tại thời điểm trên, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng giảm 7,2% so với cùng thời điểm năm trước; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5%; ngành sản xuất, phân phối điện giảm 0,1%; ngành cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 2,1%.
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước trong 11 tháng đầu năm ước tính đạt 233,6 nghìn tỷ đồng, bằng 88,6% kế hoạch năm và tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, vốn trung ương quản lý đạt 55,2 nghìn tỷ đồng, bằng 84,2% kế hoạch năm và tăng 14,9% so với cùng kỳnăm trước.Vốn địa phương quản lý đạt 178,4 nghìn tỷ đồng, bằng 90,1% kế hoạch năm và tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2015.
Đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/11/2016 thu hút 2.240 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 13.028,2 triệu USD, tăng 20,8% về số dự án và giảm 3,9% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Bên cạnh đó, có 1.075 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 5.074,8 triệu USD. Như vậy, tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và vốn bổ sung trong 11 tháng năm nay đạt 18.103 triệu USD, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 11 tháng ước tính đạt 14,3 tỷ USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2015.Trong số 63 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam 11 tháng năm nay, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 4.818,1 triệu USD, chiếm 37% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Xin-ga-po 1.567,7 triệu USD, chiếm 12%; Đặc khu Hành chính Hồng Công (TQ) 963 triệu USD, chiếm 7,4%; Trung Quốc 944,8 triệu USD, chiếm 7,3%; Đài Loan 848,8 triệu USD, chiếm 6,5%; Nhật Bản 730,8 triệu USD, chiếm 5,6%.
Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm15/11/2016 ước tính đạt 852,8 nghìn tỷ đồng, bằng 84,1% dự toán năm, trong đó thu nội địa đạt 683,5 nghìn tỷ đồng, bằng 87,1%; thu từ dầu thô đạt 34,5 nghìn tỷ đồng, bằng 63,4%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 131,3 nghìn tỷđồng, bằng 76,3%.
Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/11/2016 ước tính đạt 1024,7 nghìn tỷ đồng, bằng 80,5% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển đạt 167,7 nghìn tỷ đồng, bằng 65,8%; chi phát triển sự nghiệp kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính đạt 713,9 nghìn tỷ đồng, bằng 86,6%; chi trả nợ và viện trợ đạt 136 nghìn tỷ đồng, bằng 87,7%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 11 tháng đầu năm ước tính đạt 3.201,5 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,6% (cùng kỳ năm 2015 tăng 8,3%). Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 11 tháng ước tính đạt 2.429,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 75,9% tổng mức và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số ngành hàng tăng: Lương thực, thực phẩm tăng 12,6%; may mặc tăng 9,9%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 9,1%; phương tiện đi lại tăng 3,8%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 0,2%.
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 11 tháng đầu năm ước tính đạt 159,5 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 45,4 tỷ USD, tăng 4,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 114,1 tỷ USD, tăng 8,7%. Về thị trường hàng hóa xuất khẩu 11 tháng năm 2016, Hoa Kỳ vẫn là thị trường dẫn đầu với 34,7 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2015. Tiếp đến là thị trường EU đạt 30,5 tỷ USD, tăng 8,3%; Trung Quốc đạt 19,6 tỷ USD, tăng 26,7%; Nhật Bản đạt 13,2 tỷ USD, tăng 2,9%; Hàn Quốc đạt 10,4 tỷ USD, tăng 27,6%; riêng xuất khẩu sang thị trường ASEAN đạt 15,7 tỷ USD, giảm 6,6%.
Kim ngạch hàng hoá nhập khẩu 11 tháng đầu năm đạt 156,6 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 63,8 tỷ USD, tăng 3,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 92,8 tỷ USD, tăng 3,6%. Về thị trường hàng hóa nhập khẩu 11 tháng năm 2016, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của nước ta với kim ngạch đạt 44,6 tỷ USD, giảm 1% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Hàn Quốc đạt 28,9 tỷ USD, tăng 13,2%; ASEAN đạt 21,2 tỷ USD, giảm 1,9%; Nhật Bản đạt 13,6 tỷ USD, tăng 3,5%; EU đạt 10,1 tỷ USD, tăng 7%; Hoa Kỳ đạt 7,8 tỷ USD, tăng 8,7%.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 11 tháng năm nay tăng 2,47% so với bình quân cùng kỳ năm 2015.Lạm phát cơ bản bình quân 11 tháng tăng 1,82% so với bình quân cùng kỳ năm 2015.
Báo cáo đầy đủ: Bao cao tinh hinh KT va DN 2016- day du
Tin khác đã đăng
- Báo cáo khảo sát Vbis Quý II-2023
- Khảo sát “Thực trạng hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thông qua chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và các chính sách hỗ trợ khác của Nhà nước”
- Khảo sát “Đánh giá năng lực của Doanh nghiệp để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu” 2022
- Mời tham gia khảo sát sức khỏe doanh nghiệp Việt Nam Quý II/2022
- KHẢO SÁT SỨC KHỎE DOANH NGHIỆP VIỆT NAM QUÝ IV NĂM 2021