Hội thảo “Văn hóa doanh nghiệp và Bộ quy tắc ứng xử bảo vệ động vật hoang dã” ngày 26/06/2023 tại Hà Nội



Ngày 26/06/2023 Viện Phát triển Doanh nghiệp/Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (EDF/VCCI) và TRAFFIC đã tổ chức Hội thảo “Văn hóa doanh nghiệp và Bộ quy tắc ứng xử bảo vệ ĐVHD”.   Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ dự án Bảo vệ Động vật Hoang dã Nguy cấp […]

Ngày 26/06/2023 Viện Phát triển Doanh nghiệp/Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (EDF/VCCI) và TRAFFIC đã tổ chức Hội thảo “Văn hóa doanh nghiệp và Bộ quy tắc ứng xử bảo vệ ĐVHD”.  

Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ dự án Bảo vệ Động vật Hoang dã Nguy cấp được Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ và do Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp (MBFP) – Bộ NN&PTNT, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) và TRAFFIC triển khai.

 

Trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay, các vấn đề về bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên ngày càng được quan tâm và đưa vào chính sách trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) đặc biệt là các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) hay chiến lược về Môi trường, Xã hội, Quản trị (ESG) đều có các nội dung phát triển bền vững gắn việc bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên vào trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, các cuộc khảo sát người tiêu dùng của TRAFFIC cho đến nay vẫn chỉ ra rằng doanh nhân là một trong những nhóm đối tượng chính tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã (ĐVHD) trái pháp luật. Họ mua và sử dụng sản phẩm ĐVDH trái pháp luật với nhiều mục đích khác nhau, từ thể hiện sự giàu có và địa vị xã hội, cải thiện sức khỏe, đến làm quà tặng cho người khác, v.v. Hoạt động buôn bán ĐVHD trái pháp luật cả trực tiếp và trực tuyến vẫn diễn ra sôi động và đang có chiều hướng gia tăng. Trong chuỗi cung ứng từ vận chuyển, buôn bán đến tiêu thụ ĐVHD, doanh nghiệp đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc ngăn chặn các hoạt động trái pháp luật liên quan ĐVHD.

Với mục tiêu giúp doanh nghiệp quản lý rủi ro tránh vi pham pháp luật và quy định về bảo vệ ĐVHD đồng thời thúc đẩy nâng cao lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập, hội thảo giới thiệu tới các doanh nghiệp Bộ quy tắc ứng xử bảo vệ ĐVHD.

Bộ Quy tắc ứng xử Bảo vệ ĐVHD dành cho doanh nghiệp đưa ra những định hướng hoạt động cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xây dựng và lồng ghép các hoạt động bảo vệ ĐVHD vào các điều khoản bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên trong Bộ quy tắc ứng xử hay Chính sách của doanh nghiệp.

Tiến sĩ Lương Minh Huân, Viện trưởng Viện Phát triển Doanh nghiệp, VCCI phát biểu: “Doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và thách thức to lớn, đòi hỏi phải nâng cao năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập. Đặt vấn đề bảo vệ mội trường bảo vệ thiên nhiên trong đó có các loại ĐVHD vào Quy tắc ứng xử hay văn hóa doanh nghiệp là một trong những chiến lược hiệu quả giúp doanh nghiệp nâng cao thương hiệu và năng lực cạnh tranh, gia tăng cơ hội hội nhập với thị trường quốc tế.

Với sự tham gia của gần 80 lãnh đạo và đại diện doanh nghiệp cùng các chuyên gia về môi trường và văn hóa doanh nghiệp, hội thảo là cơ hội để các bên tham gia thảo luận sôi nổi các vấn đề liên quan đến văn hóa doanh nghiệp, trách nhiệm xã hội cũng như chiến lược Môi trường, Xã hội và Quản trị trong mối tương quan với các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó nhấn mạnh các nội dung về bảo vệ ĐVHD và đa dạng sinh học.

Ông Phạm Hải Âu, Giám đốc Dịch vụ tư vấn quản trị rủi ro PwC cho biết: “Mất đa dạng sinh học và sụp đổ hệ sinh thái là một trong 5 rủi ro hàng đầu về Môi trường và Xã hội trong báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Chính phủ Việt Nam đã đưa ra cam kết ở tầm quốc gia và khuyến khich doanh nghiệp đảm nhận vai trò lớn hơn trong việc bảo vệ môi trường.”

Các đại biểu đánh giá cao dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử bảo vệ ĐVHD và đưa ra các sáng kiến để Bộ quy tắc ứng xử có tính thực tiễn và phù hợp với hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp tại Việt Nam. Ghi nhận những đóng góp của hội thảo, Bộ Quy tắc ứng xử sẽ được hoàn thiện để triển khai thí điểm trước khi đưa ra áp dụng rộng rãi trong cộng đồng doanh nghiệp. Đại diện doanh nghiệp từ các lĩnh vực khác nhau như vận tải, logistic, hội nghề truyền thống, dịch vụ đã ký cam kết thể hiện sự ủng hộ đối với việc bảo vệ ĐVHD.

Bà Nguyễn Tuyết Trinh, Giám đốc Tổ chức TRAFFIC tại Việt Nam kết luận bế mạc hội thảo: “Các bên tham dự hội thảo nhiệt tình ủng hộ thí điểm và triển khai Bộ quy tắc ứng xử Bảo vệ ĐVHD tiếp tục khẳng định tầm quan trọng và sự quan tâm của lĩnh vực tư nhân trong việc chủ động đấu tranh phòng chống nạn buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật. Trong khuân khổ dư án cho phép, TRAFFIC sẽ tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân xây dựng văn hóa doanh nghiệp, xây dựng chính sách xã hội của doanh nghiệp, xây dựng bộ quy tăc ứng xử trong đó đề cao vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên và bảo vệ ĐVHD.”

 

Tin khác đã đăng