Đầu tư phát triển thương hiệu và chi phí quảng cáo của doanh nghiệp



Để chiếm lĩnh thị trường nội địa và xuất khẩu và tạo giá trị gia tăng cho các sản phẩm, các doanh nghiệp Việt Nam phải phát triển được một số thương hiệu lớn đủ sức cạnh tranh.

Tuy nhiên, đầu tư phát triển thương hiệu đòi hỏi phải có sự hợp sức của các doanh nghiệp và cách tiếp cận tổng thể để đáp ứng nhu cầu vô cùng đa dạng và luôn luôn mới mẻ của thị trường, cùng với những chính sách hợp lý từ phía Nhà nước tạo điều kiện để các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

 

Nhằm triển khai ý tưởng phát triển một số thương hiệu quốc gia với phương thức tiếp cận mới, đồng thời hưởng ứng đề xuất của Chính Phủ, tiếp tục kiến nghị Quốc hội dỡ bỏ hoàn toàn trần chi phí quảng cáo ngay trong kỳ họp tháng 11/2014, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam với sự tài trợ của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vương (VP Bank) vừa tổ chức hội thảo “Đầu tư phát triển thương hiệu và chi phí quảng cáo của doanh nghiệp” tại HN.

 

Phát biểu tại hội thảo, bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký VCCI cho rằng: bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng đã và đang là xu hướng tất yếu trên toàn cầu, thương hiệu ngày càng có vai trò quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển doanh nghiệp. Việc xây dựng, phát triển thương hiệu và đi đôi với đó là quảng bá cho thương hiệu là nhu cầu cấp thiết để doanh nghiệp nâng cao năng lực thâm nhập, duy trì và phát triển thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên, ở Việt Nam, hoạt động này dù đã phát triển khá mạnh song đó mới chỉ là hình ảnh bề nổi, thực chất vẫn còn bị kìm nén khá nhiều bởi quy định trần chi phí quảng cáo. Việc dỡ bỏ mức trần chi phí quảng cáo khuyến mại sẽ mang lại lợi ích cho Việt Nam cả ba góc độ: cho nền kinh tế, cho người tiêu dùng và cho cộng đồng DN.

 

Theo TS Đinh Thị Mỹ Loan- Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam – AVR, các doanh nghiệp nước ngoài có chiến lược quảng bá rất tốt. Tại Việt Nam, chi phí được lấy từ ngân sách công ty ở Việt Nam, tại nước ngoài thì được lấy từ ngân sách của tập đoàn ở nước ngoài, nên thương hiệu được nhận biết rộng rãi. Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước không làm như vậy được vì bị khống chế chi phí quảng cáo không vượt 15% tổng chi phí được khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp (tại Trung Quốc tính 15% trên tổng doanh thu). Vì vậy, bà Loan khẳng định, việc dỡ bỏ trần 15% chi phí quảng cáo là một cơ hội cho DN Việt Nam, nhất là trong giai đoạn cạnh tranh sắp tới khi khu vực thuế quan ASEAN, ASEAN+1 bằng 0, nếu các DNVN không xây dựng được thương hiệu thì rất khó cạnh tranh. Khi trần chi phí quảng cáo được dỡ bỏ sẽ khuyến khích DN phát triển sản xuất kinh doanh, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm mới, DN mới trên thị trường trong nước cũng như quốc tế, tạo điều kiện để doanh nghiệp sáng tạo.

 

Khi đó, theo bà Loan, ngân sách Nhà nước cũng không thất thu bởi khoản chi của DN này đồng thời là khoản thu của DN khác. Đồng thời cũng không lo ngại tình trạng lạm dụng quảng cáo tràn lan. Bởi trong cơ chế thị trường, nếu DN chi phí quá mức, giá hàng cao không tương xứng với chất lượng thì sẽ bị người tiêu dùng quay lưng. Để hạn chế việc các DN gian dối trong quảng cáo sẽ có các công cụ pháp lý khác để quản thúc như cơ quan quản lý thị trường, quản lý cạnh tranh.

vbis-0034
Tại hội thảo, nhóm các chuyên gia tư vấn quốc tế về thương hiệu từ Công ty “ The National Consultancy” – UK đã giới thiệu một số phương thức căn bản để các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu có thể đầu tư thành công vào phát triển thương hiệu, nâng cao giá trị của sản phẩm, sẵn sàng nắm bắt được các cơ hội mang lại từ việc hội nhập kinh tế.

 

Quỳnh Anh (VCCI News)

Tin khác đã đăng