Khó cải thiện chỉ số kinh doanh
Không đi sâu vào việc sửa đổi câu chữ trong dự án Luật Doanh nghiệp (DN) sửa đổi, Hội thảo “Dự báo tác động của Luật DN sửa đổi” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tại Hà Nội sáng ngày 29/7 có cái nhìn từ góc độ Chỉ số kinh doanh toàn cầu 2013 (GEM)
TS. Lương Minh Huân, Viện Phát triển DN – VCCI chia sẻ, một trong những mục đích chính của nghiên cứu GEM là khám phá những yếu tố thuộc môi trường kinh doanh tác động đến sự phát triển kinh doanh tại các quốc gia và từ đó đưa ra những tư vấn chính sách giúp phát triển kinh doanh… Năm 2013 VCCI chính thức đại diện cho Việt Nam tham gia GEM và đã có những nghiên cứu đánh giá chỉ số kinh doanh tại Việt Nam. TS. Huân lưu ý, trong 12 chỉ số về điều kiện kinh doanh có 3 chỉ số Việt Nam có thứ hạng cao và có 3 chỉ số có thứ hạng thấp, đáng lưu ý là chỉ số về dịch vụ hỗ trợ kinh doanh chỉ xếp thứ 45/69.
Từ những kết quả nghiên cứu của GEM đối với Việt Nam TS. Lương Minh Huân đưa ra những khuyến nghị trong việc cải thiện chính sách, điều kiện kinh doanh của Việt Nam trong giai đoạn tới là xây dựng lòng tin cho người làm kinh doanh bằng việc minh bạch hóa chính sách, tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng; Nhanh chóng hoàn thiện Luật DN theo hướng giảm bớt thủ tục, chi phí thành lập, vận hành DN; Nâng cao hàm lượng khoa học công nghệ trong kinh doanh…
TS. Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI bổ sung thêm, nhìn vào nghiên cứu của GEM có thể phần nào nhận ra những khiếm khuyết trong hệ thống pháp luật về kinh doanh của Việt Nam và từ đó đưa ra hướng sửa đổi hoàn thiện, cụ thể là sửa đổi ngay trong chính dự thảo Luật DN lần này… Luật gia Vũ Xuân Tiền, Trưởng Ban tư vấn và phản biện Chính sách – Hội các nhà Quản trị DN Việt Nam chỉ rõ hơn: “Có nhiều điểm khuyết của môi trường kinh doanh chúng ta đã nhận ra qua nghiên cứu GEM nhưng lại không chịu sửa đổi trong dự thảo Luật DN, như quy định các điều kiện kinh doanh thực chất là hạn chế quyền kinh doanh của công dân do đó phải do Quốc hội quy định, không thể giao cho Chính phủ như dự thảo đưa ra. Nếu giao cho Chính phủ thì sẽ phát sinh thêm hàng loạt giấy phép con, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh…”.
Đồng ý với ý kiến này, TS. Lương Minh Huân nhấn mạnh thêm, thay vì siết chặt điều kiện kinh doanh dự thảo Luật DN cần đơn giản hóa đến mức thấp nhất thủ tục đăng ký kinh doanh, minh bạch hóa chính sách, quy định liên quan đến ngành nghề kinh doanh có điều kiện và ngành nghề cấm kinh doanh. Một điểm nữa dự thảo Luật DN cần hướng đến là tạo khung pháp lý để hoàn thiện mạng lưới các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh thông qua phát triển các nhà cung cấp dịch vụ tư nhân, các hiệp hội DN.
Dẫn lại nghiên cứu của TS. Trần Đình Cung, Viện trưởng CIEM khi đề cập đến ngành nghề cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện, ông Huân chỉ ra: “10 năm nay quy định này trong luật DN vẫn là 8 không: không cụ thể, không rõ ràng, không hệ thống, không hợp lý, không minh bạch, không tiên liệu trước được, không hiệu quả và không hiệu lực… Điều đó đồng nghĩa với việc rủi ro trong kinh doanh ở Việt Nam ngày càng cao”. Luật gia Vũ Xuân Tiền thêm vào, nếu Dự thảo Luật DN tiếp tục trao cho Chính phủ quyền được quy định “điều kiện kinh doanh” thì có thể biết trước môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn còn nhiều rủi ro, thậm chí rủi ro càng gia tăng…
Nghiên cứu GEM Việt Nam chỉ ra, 25% hoạt động kinh doanh không mang lại bất kỳ khoản thu nhập nào cho những người tham gia vào kinh doanh trong vòng 3 tháng đầu tiên. Tính đến hết Quý I/2014 Việt Nam có 296.206 DN giải thể hoặc tạm dừng hoạt động trong tổng số 789.813 DN đăng ký thành lập… Điều đó cho thấy quá nhiều khó khăn khi thành lập DN tại Việt Nam và đây chính là lí do để môi trường kinh doanh Việt Nam đòi hỏi một Luật DN minh bạch, gọn nhẹ hơn…
Luật gia Vũ Xuân Tiền bổ sung thêm, ngay tại quy định về điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN đối với nhà đầu tư nước ngoài trong dự thảo là phải “đáp ứng các quy định của Điều ước quốc tế và pháp luật về đầu tư”. Quy định này không cần thiết vì khi DN thực hiện dự án đầu tư sẽ đăng ý hoặc được cấp Giấy chứng nhận đầu tư theo Luật Đầu tư, do đó một DN được thành lập có thể thực hiện nhiều dự án đầu tư…
Điểm lo lắng nhất của các đại biểu tham dự Hội thảo là nội dung của dự thảo Luật DN sửa đổi không làm cho chỉ số kinh doanh của Việt Nam sáng lên, thậm chí có thể làm xấu đi môi trường kinh doanh. Như tại quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện, ngành nghề cấm kinh doanh trong dự thảo không đảm bảo công khai, minh bạch và có thể ngăn chặn việc tùy tiện đặt ra những điều kiện kinh doanh bằng văn bản dưới luật. Công tác hậu kiểm đối với DN sau khi thành lập dường như chưa được chú ý. TS. Lương Minh Huân cho rằng, bên cạnh những quy định liên quan đến quản lý Nhà nước, dự thảo Luật DN cũng cần có quy định nhằm tăng cường công tác hậu kiểm, xã hội hóa giám sát hoạt động của DN góp phần minh bạch hóa thông tin, đảm bảo sự tuân thủ pháp luật của DN. TS. Huân kỳ vọng, trong nghiên cứu GEM sau khi dự thảo Luật DN sửa đổi được thông qua Việt Nam sẽ có thêm được nhiều chỉ số về điều kiện kinh doanh đứng thứ hạng cao.
Nguồn: Thời báo kinh tế Việt Nam
Tin khác đã đăng
- Mời tham dự Hội thảo khoa học Quốc gia “Đổi mới trong hoạt động quản trị doanh nghiệp ở Việt Nam” ngày 18/10/2024 tại Hà Nội
- Mời tham dự “”Diễn đàn Đầu tư Tác động Việt Nam 2024 Thúc đẩy Đầu tư Tác động cho Tương lai Bền vững”” ngày 24/10/2024 tại Hà Nội
- Mời tham dự hội thảo: “”Nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp qua các giải pháp thay đổi hành vi ngày 18/09/2024 tại Hà Nội
- Mời tham dự chương trình “Phòng chống rủi ro pháp lý trong giao dịch ngân hàng đối với hoạt động buôn bán động thực vật hoang dã và sản phẩm lâm nghiệp”
- Thông tin chương trình Tìm kiếm đối tác doanh nghiệp từ Phần Lan