VCCI công bố báo cáo Chỉ số kinh doanh Việt Nam



Tại hội thảo Triển vọng kinh doanh Việt Nam 2014 được tổ chức tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố Báo cáo Chỉ số kinh doanh Việt Nam năm 2013.

Phát biểu tại lễ công bố, TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, chỉ số kinh doanh Việt Nam 2013 cung cấp một bức tranh bao quát về đặc điểm kinh doanh của Việt Nam theo chu kỳ phát triển kinh doanh.

 

“Nhờ việc tham gia vào nghiên cứu chỉ số kinh doanh toàn cầu, lần đầu tiên Việt Nam có báo cáo giúp chúng ta có thể so sánh sự phát triển của Việt Nam với các nước phát triển trên thế giới, đặc biệt là các nước có cùng trình độ phát triển với Việt Nam, phát triển dựa trên nguồn lực và các nước nằm trong khu vực ASEAN. Báo cáo phục vụ cho quá trình xây dựng chính sách và ra những quyết định phát triển doanh nghiệp trong thời gian tiếp theo” – TS Lộc nhấn mạnh.

 

Tính đến năm 2012, nghiên cứu Chỉ số kinh doanh toàn cầu (Global Entrepreneurship Monitor – GEM) đã thu hút được gần 100 quốc gia tham dự. Riêng ở châu Á đã có tới 20 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia vào dự án GEM. Ở khu vực Đông Nam Á đã có 5 quốc gia là thành viên của GEM, bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan. Điều này cho thấy Việt Nam cần thiết phải tham gia dự án GEM toàn cầu.

 

Từ năm 2010, VCCI đã có những bước đi đầu tiên nhằm đưa Việt Nam tham gia dự án GEM. VCCI với vai trò là tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp từ lâu đã luôn mong muốn xây dựng được những chỉ số đánh giá môi trường kinh doanh và tình hình phát triển doanh nghiệp. Năm 2013, được sự hỗ trợ của Trung tâm Phát triển nghiên cứu Quốc tế (IDRC) của Canada, VCCI đã lần đầu tiên đại diện cho Việt Nam tham gia nghiên cứu GEM. Kết quả đạt được, Việt Nam lần đầu tiên xuất hiện trong báo cáo GEM toàn cầu 2013 và VCCI cũng xuất bản Báo cáo Chỉ số kinh doanh Việt Nam 2013.

 

Báo cáo Chỉ số kinh doanh Việt Nam lần đầu tiên được công bố cho thấy: Đội ngũ doanh nhân nước ta ngày càng được coi trọng và ngày càng có nhiều người muốn trở thành doanh nhân. Tuy nhiên, nhận thức về kinh doanh ở nước ta thấp hơn nhiều so với các nước cùng trình độ phát triển.

 

Nhận thức về cơ hội và năng lực kinh doanh ở Việt Nam ở mức thấp. Chỉ có gần 37% người trưởng thành ở Việt Nam nhận thức có cơ hội để khởi sự kinh doanh và gần 49% người trưởng thành nhận thức là có năng lực kinh doanh. Trung bình ở các nước phát triển, tỷ lệ này lần lượt xấp xỉ 61% và 69%. Chỉ có 24% người trưởng thành ở Việt Nam có ý định khởi sự kinh doanh trong vòng 3 năm tới, thấp hơn mức trung bình 44% ở các nước phát triển.

 

Doanh nhân ở Việt Nam ngày càng được xã hội coi trọng (82%) và kinh doanh là nghề nghiệp đáng mơ ước của hơn 63% người trưởng thành. Tỷ lệ người trưởng thành làm chủ và quản lý các hoạt động kinh doanh ở giai đoạn đầu ở Việt Nam đạt hơn 15%, trong đó tỷ lệ người mới khởi sự chỉ đạt 4%, thấp hơn mức bình quân ở các nước phát triển dựa trên nguồn lực, tương ứng lần lượt đạt 21% và 9%.

 

Cũng giống như các quốc gia khác, người trưởng thành Việt Nam khởi sự kinh doanh chủ yếu để tận dụng cơ hội (gần 75%) hơn là vì không có sự lựa chọn công việc nào tốt hơn (25%). Tỷ lệ nam giới tham gia vào kinh doanh luôn cao hơn nữ giới trong mọi giai đoạn của chu kỳ kinh doanh. Tỷ lệ người tham gia vào các hoạt động kinh doanh trong giai đoạn đầu ở Việt Nam cao nhất trong độ tuổi 25-34. Trình độ học vấn càng cao thì càng có khả năng khởi sự các hoạt động kinh doanh mới hơn.

 

Các hoạt động kinh doanh ở Việt Nam chủ yếu hướng đến phục vụ người tiêu dùng (khoảng 74%). Người chủ hoạt động kinh doanh chủ yếu nhận được những lời khuyên, tư vấn từ bạn bè và gia đình. Sự hợp tác trong kinh doanh tập trung chủ yếu ở khâu tiếp thị bán hàng. Triển vọng tăng trưởng việc làm đối với các hoạt động kinh doanh ở giai đoạn đầu cao hơn mức trung bình ở các nước cùng trình độ phát triển. Tuy nhiên, các hoạt động kinh doanh ở Việt Nam có định hướng đổi mới và định hướng quốc tế thấp.

 

Trong số 12 chỉ số về điều kiện kinh doanh, có ba chỉ số mà Việt Nam có thứ hạng cao nhất là: Quy định Chính phủ, Năng động của thị trường nội địa và Chính sách Chính phủ. Ba chỉ số Việt Nam có thứ hạng thấp là: Giáo dục sau phổ thông, Giáo dục bậc phổ thông và Dịch vụ hỗ trợ kinh doanh. Trước những khó khăn, thách thức về môi trường kinh doanh Việt Nam, báo cáo khuyến nghị: Cần xây dựng lòng tin cho người làm kinh doanh như tiếp tục kiên định các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, minh bạch hóa các chính sách, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các khu vực kinh tế; khuyến khích tìm hiểu về công việc kinh doanh, khởi sự kinh doanh và nâng cao năng lực cho doanh nhân; nâng cao hàm lượng khoa học công nghệ trong kinh doanh; cuối cùng là tăng cường vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp trong việc hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp.

 

Trí Dũng (DĐDN)

 

Tin khác đã đăng