Không hiểu về thuế khó thành triệu phú



Rời quân ngũ sau tuổi hai mươi, Jeon Dong Hyu làm công nhật cho các nhà buôn ở chợ Dong Dae Mun và dành dụm được ít tiền. Nay bước vào cuối tuổi 40, Jeon đã là chủ một ngân hàng tư nhân.

Nhà ở kiêm văn phòng công ty của Jeon ở Sang Wang Sin Ni nằm ở vị trí đối diện với khu nhà cao cấp Chong Kiet, ngay vùng quy hoạch xây dựng mới các tòa nhà cao tầng và là một trong rất ít khu vực được hưởng lợi nhiều nhất sau khi con sông Chong Kiet chảy qua Seoul được phục hồi dòng chảy như nguyên trạng. Có lẽ vì nghĩ như thế nên Jeon đã bán ngôi nhà này cho một công ty xây dựng với giá 1,6 tỷ won.

Vấn đề là thuế thu nhập từ việc bán nhà. Có người nói vì Jeon thuộc diện chỉ có một căn nhà, vả lại tổng diện tích nhà và cửa hiệu không vượt hạn mức quy định nên sẽ không phải đóng thuế thu nhập bán nhà.

Jeon trực tiếp tìm hiểu và tính ra số tiền thuế phải đóng lên đến 150 triệu won, vì giá bán nhà vượt quá 600 triệu won nên bị quy vào diện nhà ở cao cấp. Nếu là nhà ở cao cấp, thuế thu nhập bán nhà căn cứ vào số tiền bán thực tế nhà và đất kèm theo. Jeon biết rõ rằng công ty mua nhà của mình cần đất, chứ không cần nhà, nên Jeon không muốn trả số tiền thuế kể trên.

“Tôi tìm đến công ty xây dựng ấy, thuyết phục họ rằng tôi sẽ bỏ tiền ra phá nhà cũ rồi giao cho họ miếng đất trống. Công ty xây dựng thấy họ chỉ có lợi thêm nên đồng ý với đề nghị của tôi”, anh nói. Kết quả, Jeon không phải đóng hơn 150 triệu won theo tính toán của nhân viên cục thuế mà chỉ đóng hơn 10 triệu won tiền thuế đất.

Đối thủ lớn nhất của đầu tư thành công là thuế

Nhiều triệu phú trẻ Hàn Quốc là những người có kiến thức uyên thâm về thuế. Tất nhiên họ có những chuyên gia về thuế thực sự để tư vấn và thực hiện công việc quản lý, tuy nhiên chính họ mới là người điều hành các chuyên gia này. Baek Jun Ki (32 tuổi) nhấn mạnh như sau: “Hiểu người, biết ta; trăm trận, trăm thắng. Với người dấn thân vào thị trường đầu tư để kiếm tiền lớn thì việc hiểu sức mình là một trong những điều cơ bản. Còn vấn đề hiểu rõ đối thủ nữa. Trong làm giàu, đối thủ lớn nhất chính là thuế”.

Các triệu phú trẻ thường dốc hết mọi cố gắng để thu thập mọi thông tin chiến lược của cơ quan thuế. Có như thế họ mới vừa tuân thủ luật thuế vừa tìm cách giảm số thuế phải nộp, chứ không hề trốn thuế.

Các triệu phú trẻ không ngừng nghiên cứu, phân tích các luật thuế, cả mới lẫn cũ, để tìm các kẽ hở. Còn chính phủ luôn hoàn thiện các luật thuế hàng năm để lấp kẽ hở nên đây là một cuộc đấu tranh cân não liên tục diễn ra giữa cơ quan thuế và các nhà đầu tư. Vì vậy, người nào có quyết tâm kiếm tiền lớn bằng đầu tư thì cần trau dồi, tích lũy thường xuyên các kiến thức về thuế.

Tận dụng tối đa thời gian ân hạn thuế, và đóng thành nhiều lần

Đặc trưng rõ ràng nhất của nhiều triệu phú trẻ trong việc giao dịch tiền bạc là chiến lược thu tiền thật nhanh và chi tiền muộn nhất có thể được. Trong tiền thuế cũng vậy, họ thích nộp thuế thật muộn và luôn chia ra làm nhiều kỳ. Những người bình thường cố gắng nộp thuế trước hạn để nhẹ lòng như trút được một gánh nặng. Nhưng các triệu phú trẻ thì nghĩ khác.

Jung Sang Teak, người có hàng tỷ won nhờ đầu tư chứng khoán và cổ phiếu, nói: “Cho dù tiền rồi cũng sẽ rời khỏi tay mình, nhưng nếu lưu lại trong ngân hàng hay trong đầu tư chỉ một ngày thôi cũng tốt hơn. Vì có như vậy mới thêm được chút lãi dù là rất ít”.

Phải xây dựng kế hoạch nộp thuế từng bước

Khi mua bán bất động sản, các triệu phú trẻ luôn xây dựng kế hoạch nộp thuế trước ngày chi trả tiền lần cuối. Vì sao? Những người bình thường sau khi mua nhà mới tìm đến cục thuế hay nhân viên ngân hàng để hỏi về vấn đề thuế. Nhưng lúc đó cục thuế hay ngân hàng không giúp gì hơn được nữa. Cần nhớ rằng khi một giao dịch hội đủ các điều kiện phải đóng thuế thì nghĩa vụ nộp thuế tự động có hiệu lực, cho nên biết ngày giờ đóng thuế là một trong những yếu tố rất quan trọng giúp tiết kiệm tiền thuế.

Mỗi quốc gia có chính sách thuế khác nhau. Ở Hàn Quốc, căn cứ thông lệ và nguyên tắc thì thời kỳ nhận chuyển giao bất động sản (khi mua) và thời kỳ chuyển giao (khi bán) là ngày giao nhận khoản tiền cuối cùng. Cần chú ý rằng thời kỳ chuyển giao và thời kỳ giao nhận cũng là thời kỳ nghĩa vụ nộp thuế có hiệu lực, tức là ngày thanh toán khoản tiền cuối cùng, chứ không phải ngày đăng ký quyền sở hữu. Vì lý do trên, các triệu phú trẻ Hàn Quốc bao giờ cũng xây dựng kế hoạch nộp thuế một cách tỉ mỷ trước khi mua bán bất động sản.

Nhất thiết phải học các quy định về thuế

Nhất thiết phải học pháp luật liên quan tới thuế là lời khuyên của nhiều triệu phú trẻ – những người được gọi là “tiến sĩ thuế” tại Hàn Quốc. Bằng cách đầu tư lâu dài vào bất động sản, Hyong San Hae giờ đây nắm trong tay hàng tỷ won. Hyong nói về những luật thuế phải học như sau: “Lấy tri thức luật pháp làm nền tảng cơ bản. Quan trọng nhất là nghiên cứu thật kỹ các văn bản hướng dẫn thi hành các luật thuế. Các chính quyền địa phương luôn thi hành chế độ thuế một cách đa dạng với mục đích tạo thuận lợi cho người dân địa phương đó. Nhất thiết phải học kỹ các luật thuế địa phương”.

Đặc biệt, để tạo thuận lợi cho kỳ bầu cử lần sau, người đứng đầu chính quyền địa phương thường chấp nhận những yêu cầu của người dân, đưa ra các chế độ miễn giảm thuế, chế độ thuận lợi về thuế trong khuôn khổ luật pháp cho phép, đây là cơ hội để người kinh doanh giảm được thuế của mình.

Pháp lệnh thuế được sửa đổi 3-4 lần trong một năm là điều thông thường, nhiều người phàn nàn đến bao giờ mới học hết những luật này. Đây là cách học của nhiều triệu phú Hàn Quốc: “Nếu chưa trau dồi được kiến thức về thuế, hãy tìm lấy một văn bản nhập môn, dễ hiểu về thuế và đọc 5-6 lần. Sau đó dần tìm sách khó hơn một chút. Cứ thế dần dần toàn bộ hệ thống luật thuế đi vào trong đầu lúc nào không biết”

Tin khác đã đăng