Yếu tố then chốt để doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu
Dự kiến, doanh thu ngành bán dẫn tại Việt Nam năm 2025 đạt khoảng 21 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2024. Ngành công nghiệp điện tử – bán dẫn Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển đầy tiềm năng, được thúc đẩy bởi các yếu tố như nhu cầu toàn cầu […]
Dự kiến, doanh thu ngành bán dẫn tại Việt Nam năm 2025 đạt khoảng 21 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2024. Ngành công nghiệp điện tử – bán dẫn Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển đầy tiềm năng, được thúc đẩy bởi các yếu tố như nhu cầu toàn cầu tăng cao, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, và lợi thế cạnh tranh về nguồn nhân lực, vị trí địa lý.
Tiềm năng lớn
Tại buổi tọa đàm “ Tăng tốc chyển đổi, hiệp lực thúc đẩy phát triển nền công nghiệp Việt Nam tự chủ – hùng cường” do Viện phát triển doanh nghiệp- VCCI phối hợp với Tập đoàn Intech Group tổ chức vừa qua tại Hà Nội, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội doanh nghiệp điển tử Việt Nam (VEIA) cho biết, ngành điện tử – bán dẫn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt trong xuất khẩu. Theo Tổng cục Hải quan, năm 2024, giá trị xuất khẩu sản phẩm điện tử đạt 126,9 tỷ USD, chiếm khoảng 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu quốc gia. Đến năm 2025, doanh thu ngành bán dẫn tại Việt Nam dự kiến đạt khoảng 21 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2024, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) 10% từ 2025 – 2029, đạt 31 tỷ USD vào năm 2029.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội doanh nghiệp điển tử Việt Nam (VEIA)
Theo đánh giá, Việt Nam hiện là điểm đến hấp dẫn cho các tập đoàn lớn như Intel, Samsung, Qualcomm, Amkor,… nhờ chi phí lao động cạnh tranh, ổn định địa chính trị và các hiệp định thương mại tự do (FTA). Ngành tập trung mạnh vào các khâu lắp ráp, đóng gói và kiểm thử, nhưng đang dần chuyển dịch sang thiết kế vi mạch.
Bên cạnh đó, Việt Nam sở hữu trữ lượng đất hiếm lớn (18% toàn cầu, đứng thứ 2 thế giới), là nguồn nguyên liệu quan trọng cho sản xuất bán dẫn. Nguồn nhân lực kỹ thuật dồi dào, với khoảng 1.400 sinh viên tốt nghiệp ngành bán dẫn mỗi năm, dù vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu (dự báo cần 50.000 kỹ sư đến năm 2030).
Ngành bán dẫn Việt Nam cũng đang tích cực áp dụng các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), và 5G, thúc đẩy nhu cầu về vi mạch hiệu suất cao. Công nghệ nano, graphene, và silicon carbide đang được nghiên cứu để tạo ra các linh kiện nhỏ hơn, nhanh hơn, tiết kiệm năng lượng hơn. Các doanh nghiệp áp dụng công nghệ xanh để giảm tác động môi trường, hướng tới sản xuất bền vững. AI được sử dụng để tối ưu hóa thiết kế vi mạch, phát hiện lỗi sản xuất, và dự đoán nhu cầu thị trường.
Chính phủ đã ban hành Quyết định 1018/QĐ-TTg (21/9/2024), đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm bán dẫn toàn cầu. Giai đoạn 2024-2030 tập trung thu hút FDI và phát triển nguồn nhân lực.
Cần thiết phải có hạ tầng sản xuất đạt chuẩn quốc tế
Theo bà Hương, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu dự kiến đạt doanh thu 1.000 tỷ USD vào năm 2030, với nhu cầu ngày càng tăng về vi mạch trong các lĩnh vực như AI, IoT, và 5G. Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, tuy nhiên, để tham gia vào các khâu có giá trị gia tăng cao như thiết kế và chế tạo chip, Việt Nam cần hạ tầng sản xuất đạt chuẩn quốc tế, bao gồm các nhà máy chế tạo (fabs), phòng thí nghiệm sạch (cleanroom) và hệ thống kiểm định chất lượng. Các tập đoàn lớn như Intel, Samsung, và TSMC yêu cầu các nhà cung cấp đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng, độ chính xác, và quy trình sản xuất bền vững. Hạ tầng sản xuất bán dẫn phải tuân thủ các tiêu chuẩn như ISO 9001, ISO 14001 (quản lý môi trường), và các quy chuẩn về phòng sạch (Class 1-10).
“Hạ tầng đạt chuẩn là yếu tố then chốt để thu hút đầu tư FDI, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam và đây cũng là điều kiện tiên quyết để các doanh nghiệp nội địa, đặc biệt là SME, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, vượt qua các khâu gia công và lắp ráp truyền thống”, bà Hương khẳng định.
Thực tế cho thấy, Việt Nam hiện chưa có nhà máy chế tạo chip (fab) mà chủ yếu tập trung vào các khâu đóng gói và kiểm thử (như nhà máy Intel tại TP.Hồ Chí Minh, Amkor tại Bắc Ninh). Các cơ sở sản xuất hiện tại phần lớn phục vụ FDI và chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế về công nghệ cao. Theo báo cáo chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (2023), chỉ số hạ tầng của Việt Nam chỉ xếp thứ 71/132 quốc gia, cho thấy khoảng cách lớn trong việc đáp ứng yêu cầu của ngành bán dẫn.
Việt Nam còn thiếu các phòng thí nghiệm chuyên sâu và cơ sở nghiên cứu phát triển (R&D) đạt chuẩn quốc tế, hạn chế khả năng phát triển công nghệ lõi và thiết kế vi mạch hiện đại. Việc thiếu hạ tầng này làm giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp nội địa, đặc biệt là SME, trong chuỗi cung ứng.
Bởi vậy, theo bà Hương, hạ tầng sản xuất đạt chuẩn quốc tế sẽ giúp các SME Việt Nam đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia, từ đó gia tăng cơ hội nhận đơn hàng và tham gia vào các khâu giá trị gia tăng cao như thiết kế vi mạch (chiếm 53% giá trị con chip). Điều này cũng hỗ trợ các doanh nghiệp nội địa như FPT Semiconductor và Viettel trong việc phát triển chip “Made in Vietnam”
Việc xây dựng các khu công nghệ cao (như Khu công nghệ cao TP.Hồ Chí Minh, Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Khu công nghệ cao Đà Nẵng) với các ưu đãi về thuế và cơ sở hạ tầng hiện đại sẽ khuyến khích chuyển giao công nghệ từ các nước tiên tiến như Mỹ, Hàn Quốc, và Đài Loan (Trung Quốc) và thu hút các tập đoàn lớn như TSMC, Nvidia, hoặc Qualcomm đầu tư vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, hạ tầng đạt chuẩn quốc tế là nền tảng để xây dựng một hệ sinh thái bán dẫn tự chủ, bao gồm các trung tâm R&D, phòng thí nghiệm, và cơ sở đào tạo nhân lực. Điều này sẽ giúp Việt Nam tiến tới mục tiêu có 100 doanh nghiệp thiết kế vi mạch và 10 nhà máy đóng gói, kiểm thử vào năm 2030, như được nêu trong Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn.
Ngành bán dẫn đòi hỏi xử lý chất thải độc hại và sử dụng năng lượng hiệu quả. Vậy nên việc xây dựng hạ tầng đạt chuẩn quốc tế, bao gồm các hệ thống quản lý môi trường và năng lượng xanh, là cần thiết để đáp ứng yêu cầu của các đối tác quốc tế và đảm bảo phát triển bền vững.
Để thúc đẩy hạ tầng sản xuất đạt chuẩn quốc tế, theo bà Hương, cần mở rộng và nâng cấp các khu công nghệ cao với các cơ sở phòng sạch, trung tâm kiểm định và hệ thống cung cấp năng lượng ổn định. Đồng thời, khuyến khích mô hình hợp tác công – tư (PPP) để huy động vốn đầu tư vào hạ tầng sản xuất, đặc biệt là xây dựng nhà máy chế tạo chip quy mô nhỏ phục vụ nghiên cứu và sản xuất chip chuyên dụng; Cung cấp các chương trình hỗ trợ tài chính và kỹ thuật để SME đầu tư vào cơ sở hạ tầng đạt chuẩn, như hệ thống phòng sạch hoặc công nghệ kiểm định chất lượng,…
Ngành điện tử – bán dẫn Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để trở thành trung tâm sản xuất và thiết kế vi mạch khu vực, nhờ vào chính sách chiến lược, đầu tư quốc tế và nguồn lực nội tại. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa tiềm năng, Việt Nam cần tập trung vào đào tạo nhân lực chất lượng cao, đầu tư vào R&D, và xây dựng hệ sinh thái sản xuất bền vững. Với lộ trình rõ ràng đến 2030 và tầm nhìn 2050, ngành bán dẫn hứa hẹn sẽ trở thành động lực kinh tế mũi nhọn, đóng góp đáng kể vào GDP và xuất khẩu.
Nguồn: Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
https://vccinews.vn/news/61062/yeu-to-then-chot-de-doanh-nghiep-viet-tham-gia-chuoi-cung-ung-ban-dan-toan-cau.html
Tin khác đã đăng
- Gỡ vướng cho doanh nghiệp đầu tư vào khoa học và công nghệ
- Triển lãm quốc tế Cleanfact & RHVAC Vietnam 2025
- Mời tham dự khóa đào tạo dành cho doanh nghiệp: “Hướng dẫn doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn Halal để tiếp cận thị trường Trung Đông tiềm năng” ngày 28/05/2025 tại TP Hồ Chí Minh
- Phiếu xin ý kiến Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013
- Tổ chức TRAFFIC công bố Sổ tay hướng dẫn triển khai phương pháp truyền thông Thay đổi Hành vi Xã hội nhằm bảo vệ động, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm tại Việt Nam